top of page

Bí mật của sức mạnh ý chí (willpower) dưới cái nhìn khoa học

Bí mật của sức mạnh ý chí (willpower) dưới cái nhìn khoa học

Hầu hết chúng ta có lẽ không lạ với ý tưởng “Làm chủ bản thân thì mới thay đổi được số phận!”

Nói đến làm chủ bản thân nghĩa là nhắc đến vai trò của sức mạnh ý chí. Thứ sức mạnh cho phép ta thay vì ngồi xem chương trình Tv yêu thích mà ngồi vào bàn học. Hay lúc 5h sáng ta phân vân có nên tung chiếc mền ấm áp, bước ra khỏi giường để chạy vòng quanh khu phố với mục đích giảm cân chính là thời điểm đấu tranh căng thẳng nhất giữa sức mạnh ý chí và những ham muốn sinh học.

Sức mạnh ý chí nếu tích tụ đủ lớn sẽ cho ta quyền lực thay đổi con người theo một hướng tích cực, mở ra cơ hội điều khiển, hay ít nhất là lèo lái, số phận của chúng ta theo cách chúng ta mong muốn nhất.

Đấu tranh chống lại cám dỗ của cơn nghiện thuốc lá có thể cứu được một mạng sống khỏi căn bệnh ung thư phổi. Chống lại cám dỗ của việc giải trí, vượt qua sự lười biếng để thành công trong công việc và học hành có thể tạo ra một bước nhảy vọt trên con đường sự nghiệp… đều là những ví dụ không tầm thường về vai trò của sức mạnh ý chí.

Câu hỏi mấu chốt là: Làm sao để có một ý chí mạnh mẽ?

Việc chỉ ra một phương pháp cụ thể để có một ý chí mạnh mẽ nằm ngoài khả năng của tôi. Mặc khác tôi cũng nghĩ rằng mỗi con người luôn có sự khác biệt về hoàn cảnh, môi trường sống nên sẽ không tồn tại một danh sách cụ thể những thứ cần làm để thay đổi bản thân mà đúng cho tất cả. Hi vọng của tôi là hiểu được cách mà khả năng điều khiển ý chí vận động, để từ đó tự rút ra các chiến thuật cho mình. Một cách nôm na, cũng giống như một kĩ sư phải học các nguyên lí về điện, để tự sáng chế ra một sản phẩm điện tử gì đấy.

http://online.wsj.com/article/SB10001424052748703478704574612052322122442.html

Bài báo trên của tạp chí Wall Street Journal chỉ ra một kết quả rất thú vị khi nghiên cứu về bản chất của sức mạnh ý chí: quá trình điều khiển hành vi của trí óc cũng giống như quá trình điều khiển cơ thể của cơ bắp!

Qua các thí nghiệm, các nhà nghiên cứu chỉ ra 4 nguyên lí tác động đến sức mạnh ý chí bao gồm: giới hạn của ý chí, sự hấp thu năng lượng, sự phân tán (distraction), và vai trò của tập luyện.

Giới hạn của ý chí:

Phần não chịu trách nhiệm cho sức mạnh ý chí là thùy não trước (prefrontal cortex). Phần não này cũng kiêm luôn các nhiệm vụ như giữ khả năng tập trung, kiểm soát trí nhớ ngắn hạn, và suy nghĩ trừu tượng.

Như vậy, phần não này có thể hoàn toàn bị quá tải nếu ta ép nó làm quá nhiều việc 1 lúc!

Trong 1 thí nghiệm của đại học Stanford, các ứng viên chia ra làm 2 nhóm: 1 nhóm phải nhớ 2 chữ số và 1 nhóm phải cố gắng nhớ đến 7 chữ số. Cả 2 nhóm được yêu cầu đi dọc hành lang, nơi họ được giao cho lựa chọn ăn 1 trong 2 món: một miếng bánh chocolate và một bát salad trộn.

Bánh chocolate dĩ nhiên không tốt cho sức khỏe bằng salad trộn, nhưng ngon hơn.

Kết quả nghiên cứu khẳng định dự đoán: số người chọn chocolate của nhóm phải nhớ 7 chữ số cao gấp đôi nhóm chỉ nhớ 2 chữ số.

Không lạ khi sau một ngày căng thẳng vì công việc hay học hành, chúng ta thường cố gắng thả lỏng bản thân hết mức có thể. Làm nhiều hành vi không tốt cho sức khỏe như: ăn quá nhiều, uống rượu, hoặc hút thuốc…

Như vậy, việc chúng ta muốn thay đổi ý chí của bản thân ngay lập tức gây ra sự mệt mỏi quá tải cho não bộ. Cũng giống như một người tập nâng tạ chuyển từ nâng 5kg sang 20kg chỉ sau 1 ngày tập.

Chiến thuật: tập thay đổi một cách từ từ.

Năng lượng:

Trong thí nghiệm năm 2007 của giáo sư Baumeister và đồng nghiệp, một nhóm các sinh viên nhịn đói 3 giờ rồi một số được phân công thực hiện các công việc đòi hỏi ý chí để điều khiển bản thân như: xem 1 video rất chán, hoặc kìm nén các định kiến tiêu cực về 1 vấn đề nhất định. So với những người không phải thực hiện công việc ý chí, các sinh viên này có nồng độ đường glucose thấp hơn thấy rõ. Sức mạnh ý chí, rõ ràng, cần năng lượng theo nghĩa đen.

Việc này giải thích vì sao chiến thuật nhịn ăn để giảm cân thường thất bại: giảm năng lượng tiếp thu vào não khiến cho ý chí để giảm cân của ta cũng kém đi!

Chiến thuật: ăn đầy đủ chất.

Sự phân tán:

Nghiên cứu của Walter Mischel tại đại học Columbia cho thấy những người có thể cự lại cám dỗ tốt hơn chưa hẳn là vì họ có sức chịu đựng tốt hơn, họ có vẻ như tìm được cách để lùa những suy nghĩ về cám dỗ ra khỏi đầu óc.

Thí nghiệm cho thấy những đứa trẻ có thể chống lại sự quyến rũ của các cây kẹo 1 cách tức thời để được thưởng 2 cây kẹo vào 20 phút sau đó bằng cách… nghĩ về bánh. (Những đứa trẻ này về sau có xu hướng được điểm SAT cao hơn, và có chỉ số sức khỏe cân nặng tốt hơn). Do chúng biết sức mạnh ý chí rất yếu trước các cám dỗ, nên chúng phân tán suy nghĩ vào một thứ khác.

Chiến thuật: phân tán tư tưởng bằng cách nghĩ về 1 cái gì khác.

Tập luyện:

Giáo sư Baumeister đã chỉ ra rằng ta có thể làm tăng sức mạnh ý chí bằng cách tập luyện (cũng giống như việc làm tăng sức mạnh, độ dẻo dai của cơ bắp bằng tập luyện). Trong 1 thí nghiệm năm 1999, một nhóm sinh viên được yêu cầu cố gắng thay đổi tư thế ngồi tốt hơn sau. Điều thú vị là sau 2 tuần, nhóm sinh viên này đã có sự thay đổi đáng kể về khả năng tự điều khiển bản thân.

Điều này hoàn toàn mở ra khả năng làm chủ bản thân tốt hơn thông qua luyện tập.

Chiến thuật: tập luyện, kết hợp với chú ý các nguyên lí 1, 2, và 3 ở trên.

Featured Posts
Check back soon
Once posts are published, you’ll see them here.
Recent Posts
Archive
Search By Tags
Follow Us
  • Facebook Basic Square
  • Twitter Basic Square
  • Google+ Basic Square
bottom of page