top of page

CÁCH ĐỌC VÀ PHÂN TÍCH MỘT BÀI BÁO KHOA HỌC

Việc đọc và phân tích một bài báo khoa học sao cho hiệu quả không những là một khó khăn đối với sinh viên mà còn với cả những nhà nghiên cứu trẻ. Để có được những ý tưởng hay giả thuyết mới, người nghiên cứu có thể phải đọc rất nhiều bài báo từ tạp chí chuyên ngành. Bài viết này cung cấp cho độc giả một số hướng dẫn để có thể thực hiện công việc này một cách dễ dàng và ít tốn thời gian nhất.

Những điểm cần lưu ý trước khi đọc

Có rất nhiều lý do để đọc bài báo khoa học. Bạn có thể đọc để tăng kiến thức, đọc để bình duyệt khi bạn có nhiệm vụ đó hay để thu thập thông tin cho một dự án nghiên cứu nhất định. Mục đích của việc đọc sẽ có ảnh hưởng lớn đến cách thức đọc và phân tích bài báo. Vì vậy, trước khi đọc, bạn cần xác định rõ mục đích của việc đọc. Tiếp đến, bạn hãy lưu ý những điểm sau trong quá trình đọc:

  • Luôn đặt ra những câu hỏi, những dự đoán trong đầu và so sánh phần trình bày của tác giả với những câu hỏi và dự đoán đó.

  • Ghi lại bất cứ những thắc mắc, nhận xét, nghi vấn nào của bạn về bài báo.

  • Gạch dưới, tô đậm, đánh dấu những dữ kiện quan trọng hay có vấn đề của bài báo.

  • Theo GS. Trương Nguyện Thành, ta cần so sánh bài báo đang đọc với những bài mà bạn đã đọc để nhận ra những đóng góp mới cũng như cách thực hiện nghiên cứu của tác giả. Đặt bài báo đó trong mối tương quan với những bài báo khác, có nghĩa là bạn không chỉ nhìn vào một cái cây mà nhìn cả rừng cây, để tìm ra một khung phân tích hay những giả thuyết nghiên cứu cho riêng bạn.

  • Nên viết một tóm tắt ngắn bằng ngôn ngữ của bạn sau khi đọc xong bài báo. Phần tóm tắt gồm có câu hỏi nghiên cứu và câu trả lời mà bài báo này cố gắng cung cấp, những lập luận được đưa ra, những dữ kiện được phân tích và những kết luận được rút ra để sau này quay lại bạn dễ dàng nhớ lại nội dung bài báo.

Cấu trúc của một bài báo khoa học

Một bài báo khoa học thường có cấu trúc IMRD (Introduction [Giới thiệu], Methodology [Phương pháp], Results [Kết quả] và Discussion [Thảo luận]). Trong các ngành khoa học xã hội thì cấu trúc này chỉ phổ biến ở các nghiên cứu định lượng còn các bài viết dựa trên nghiên cứu định tính đi theo một cấu trúc khác như sau:

  • Introduction [Giới thiệu]

  • Contexts [Bối cảnh: tổng quan nghiên cứu, các quan điểm lý thuyết, những tranh luận học thuật, chính sách hiện thời)

  • Research Design and Methods [Thiết kế nghiên cứu và các phương pháp nghiên cứu]

  • Findings [Những phát hiện mới]

  • Discussion [Thảo luận: xem xét lại các vấn đề đặt ra trước đó thông qua các dữ liệu đã thu thập]

  • Conclusions [Kết luận]

Ngoài ra, một bài báo còn có nhan đề, tóm tắt, tác giả, tài liệu tham khảo, lời cảm ơn, các bảng biểu và lời chú thích. Thông thường, khi bạn biết cách viết một bài báo khoa học thì bạn sẽ biết cách đọc một bài báo khoa học và ngược lại.

Đọc nhan đề và tóm tắt để phân loại các bài báo

Khi lựa chọn một bài báo để đọc, tất nhiên bạn sẽ phải đọc nhan đề và tóm tắt của bài báo. Khi tra cứu tài liệu trên thư viện hay trên internet, thông tin đầu tiên mà bạn nhận được là nhan đề, sau nữa là phần tóm tắt. Nhan đề của một bài báo thường chứa đựng những thông tin ban đầu chủ chốt như câu hỏi nghiên cứu, đối tượng được nghiên cứu, cách thức nghiên cứu, các biến sẽ được kiểm chứng, giai đoạn được nghiên cứu, và có thể là kết quả quan trọng nhất được rút ra từ nghiên cứu. Ví dụ: Numberical and Experimental Study of General Gas Diffusion Equation within Fractal Pores (Combustion Science and Technology, Vol.188, Issue. 7, 2016) hay Woman’s Autonomy and Work Status in Nepal: A Study of Their Effects on Anaemia (Social Change, Vol. 46, Issue. 2, 2016).

Phần tóm tắt chứa đựng những thông tin về mục đích nghiên cứu, lý thuyết và phương pháp được áp dụng, các biến được sử dụng, nơi khảo sát, các kết quả và kết luận. Trong quá trình tìm kiếm tài liệu, bạn sẽ đọc được rất nhiều nhan đề và tóm tắt khác nhau. Bạn sẽ có một cái nhìn tổng quan về vấn đề, về các phương pháp đã sử dụng, các kết quả sơ bộ (Hình 2: Minh họa phần Tóm Tắt trên tạp chí khoa học). Trong thời đại ngày nay, với lượng xuất bản phẩm ngày càng lớn, việc đọc nhan đề và tóm tắt là cách tốt nhất để tiết kiệm thời gian đọc, đồng thời cho phép bạn phân loại bài báo ở các mức độ đọc khác nhau: rất quan trọng cần đọc trước, quan trọng, quan trọng nhưng chưa cần đọc ngay, không quan trọng nhưng thú vị cần lưu lại để đọc sau này..v.v.



Đọc lướt để làm quen với bài báo

  • Nhìn qua cấu trúc, các đề mục và tiểu mục của bài báo để biết khung phân tích của tác giả.

  • Nhìn qua ngày xuất bản vì một số ngành thì các nghiên cứu gần đây (cách hiện tại không quá 5-7 năm) mới thích hợp, trừ những nghiên cứu cơ bản.

  • Nhìn qua tác giả và nhóm tác giả để xác định lĩnh vực chuyên môn, uy tín của họ trong lĩnh vực tương ứng và mối quan tâm nghiên cứu của họ xem có phù hợp với quan tâm của bạn không.

  • Nhìn qua các bảng biểu, sơ đồ cùng với các lời chú thích của bài báo.

  • Ghi lại bất cứ câu hỏi hay nhận xét ban đầu nào nảy ra trong đầu của bạn về bài báo.

Đọc kỹ và phân tích bài báo

Một bài báo khoa học không giống như một truyện ngắn cho nên bạn không cần phải đọc nó từ đầu cho đến cuối để hiểu toàn bộ câu chuyện. Bạn có thể chọn cho mình một thứ tự đọc riêng. Nhưng nếu bạn chưa có một nền tảng hay một ý tưởng nào về chủ đề được nghiên cứu, bạn nên đọc theo thứ tự từ phần giới thiệu cho đến phần kết luận đối với một vài bài báo đầu. Sau khi đọc được nhiều bài, bạn có thể đã có một khung làm việc chung cho vấn đề mà bạn quan tâm. Các bài báo tiếp theo, bạn không cần đọc tuần tự theo cấu trúc của nó mà đọc theo một ý tưởng mà bạn muốn đeo đuổi. Lúc đó, bạn có thể đọc theo thứ tự sau: tóm tắt -> kết luận -> phương pháp -> kết quả -> thảo luận hay theo thứ tự khác. Điều đó tùy thuộc vào bạn. Trong một bài báo, mỗi một phần giữ một chức năng riêng, chúng được kết hợp chặt chẽ giữa các thông tin để làm nổi bật những đóng góp mới của tác giả.

Phần giới thiệu thường nêu lên lý do nghiên cứu. Phần giới thiệu thường có 4 nội dung: phát biểu về vấn đề nghiên cứu, tổng quan về vấn đề nghiên cứu, mục đích nghiên cứu và kết quả mong đợi (hay giả thuyết nghiên cứu). Khi đọc phần này, bạn nên làm rõ những câu hỏi sau:

  • Tại sao tác giả thực hiện cuộc nghiên cứu này? Tác giả muốn giải quyết vấn đề gì? Câu hỏi nghiên cứu là gì?

  • Lỗ trống nào trong kiến thức mà tác giả muốn lắp đầy khi trình bày phần tổng quan nghiên cứu vấn đề (giữa cái đã biết và cái muốn biết hay khi chỉ ra những thiếu sót của những công trình trước đó)?

  • Tác giả mong đợi kết quả gì? Những biến nào được đưa vào để kiểm chứng?

Phần phương pháp sẽ nêu lên những kỹ thuật và phương pháp đã được tác giả sử dụng để đạt được kết quả như mong muốn. Bạn hãy tự trả lời các câu hỏi sau:

  • Những kỹ thuật và phương pháp nào đã được tác giả sử dụng?

  • So sánh phương pháp mà tác giả sử dụng với các phương pháp của các tác giả khác về cùng một chủ đề nghiên cứu để nhận ra những sự khác biệt trong phương pháp và kết quả.

Phần kết quả cung cấp các chứng cớ để ủng hộ hay bác bỏ giả thuyết nghiên cứu. Bạn phải xem kết quả nghiên cứu có được trình bày và phân tích một cách lô gích hay chưa. Bạn nên kiểm tra các biểu đồ và bảng biểu một cách cẩn thận, đưa ra kết luận của riêng mình và cố gắng lý giải nó trước khi đọc phần diễn giải của tác giả. Ghi lại bất cứ câu hỏi, thắc mắc hay nhận xét nào về kết quả nghiên cứu.

Phần thảo luận sẽ cung cấp những giải thích về kết quả nghiên cứu. Bạn đọc kỹ những giải thích và tự hỏi xem bạn có đồng ý với những giải thích đó không. Có câu hỏi nào nảy sinh trong bạn khi đọc những lý luận đó không. Bạn có thể đặt ra một số câu hỏi như:

  • Tác giả đã có những lý giải hợp lý cho kết quả nghiên cứu hay chưa?

  • Có những cách lý giải khác cho kết quả nghiên cứu mà tác giả chưa đề cập đến không?

  • Tác giả có thành kiến khi đưa ra các lý giải không?

Phần kết luận sẽ tóm tắt lại những phát hiện/kết quả nghiên cứu chính, chỉ ra tầm quan trọng của nghiên cứu và gợi ý con đường nghiên cứu tương lai dựa trên kết quả của nghiên cứu này.

Sau khi đọc xong và bắt đầu viết tóm tắt nội dung bài báo, bạn hãy dành thời gian để suy nghĩ và tự trả lời các câu hỏi sau:

  • Tác giả đã giải quyết hợp lý vấn đề nghiên cứu chưa, có hạn chế nào trong những giải pháp mà tác giả đã đề ra (kể cả khi tác giả đã thừa nhận) hay không?

  • Giả thuyết đặt ra có hợp lý chưa. Lô gích của bài báo có rõ ràng, có thể đánh giá được không?

  • Các lập luận có được hỗ trợ bằng những dữ liệu vững chắc chưa, dữ liệu có được thu thập đúng cách chưa, liệu có thể có những dữ liệu khác thuyết phục hơn không?

  • Ý tưởng của bài báo này đã tốt chưa, bạn có thể đưa ra những ý tưởng khác tốt hơn mà tác giả không nghĩ ra hay không?

  • Các ý tưởng này có thể được phát triển thêm hay khái quát hơn được nữa chăng. Nếu bạn là người thực hiện bạn sẽ làm gì với nó.

Một số kinh nghiệm cho việc đọc hiệu quả

Khi còn ở giai đoạn tích lũy kiến thức, bạn nên đọc và ghi chép cẩn thận với những bước cơ bản như trên. Nhưng khi đã thuần thục trong chuyên môn, bạn sẽ cảm thấy rất dễ dàng trong việc đọc và phân tích bài báo. Bạn sẽ dễ dàng nhận ra đâu là đóng góp mới, đâu là những hạn chế trong nghiên cứu của tác giả.

Biểu đồ doanh số bán lẻ của tạp chí The Times và Daily Paragraph (Hình 3) dưới đây là một ví dụ về việc đọc tích cực.


Hình 3: Biểu đồ doanh số bán lẻ của tạp chí The Times và Daily Paragraph

Nguồn: Đại học Kentucky.

Nếu nhìn vào biểu đồ cột bên phải, bạn sẽ nghĩ rằng doanh thu của “The Times” gấp đôi “Daily Telegraph”. Nhưng khi đọc kỹ vào phần tỉ lệ bạn sẽ thấy rằng “The Times” chỉ đạt doanh thu lớn hơn “Daily Telegraph” khoảng 10% mà thôi. Vì vậy khi đọc, bạn nên:

  • Đọc từ thông tin khái quát đến thông tin cụ thể

  • Kiểm tra các bảng biểu và biểu đồ một cách cẩn thận

  • Luôn đặt ra những câu hỏi khi đọc và đối chiếu thông tin với các bài báo khác về cùng chủ đề. Điều đó giúp bạn hiểu và nhớ thông tin tốt hơn.

  • Viết lại tóm tắt nghiên cứu giúp bạn khắc sâu thông tin và làm cho việc học tập và nghiên cứu của bạn có hệ thống hơn

Nói tóm lại, để đọc bài báo khoa học một cách hiệu quả và nhanh chóng, người đọc trước hết phải xác định mục đích đọc. Sau đó, người đọc cần phải đọc nhan đề (bao gồm đối tượng, cách thức, giai đoạn nghiên cứu) và tóm tắt bài báo (bao gồm mục đích, lý thuyết, phương pháp được áp dụng, các biến được sử dụng, nơi khảo sát, các kết quả và kết luận). Sau đó, người đọc cần đọc lướt để làm quen với bài báo để xem khung phân tích của tác giả, tính phù hợp của bài báo đối với mình. Cuối cùng, người đọc cần đọc kỹ và phân tích bài báo. Người đọc còn luôn phải đặt ra những câu hỏi, dự đoán và so chúng với phần trình bày của tác giả, sau đó đánh dấu những dữ kiện quan trọng của bài báo và đặt bài báo trong mối tương quan với những bài báo khác đã đọc để nhận ra những đóng góp mới của tác giả. Người đọc cũng nên tóm tắt bài báo bằng tiếng mẹ đẻ sau khi đọc xong, gồm có các câu hỏi nghiên cứu và những câu trả lời, những lập luận được đưa ra, những dữ kiện được phân tích và những kết luận được rút ra. Làm được điều này, việc đọc bài báo khoa học sẽ trở nên dễ dàng, chính xác và đem lại nhiều thông tin hơn bao giờ hết.

Tài liệu tham khảo:

  1. Truong, T. (2016). Bài giảng phục vụ Workshop về công bố kết quả nghiên cứu trên tạp chí quốc tế.

  2. Lunsford, T. and Lunsford, B. (2016). How to Critically Read aJournal Research Article. Journal of Prosthetics and Orthotics, 1996 | American Academy of Orthotists & Prosthetists. [online] Oandp.org. Tại địa chỉ: http://www.oandp.org/jpo/library/1996_01_024.asp [Truy cập ngày 08 tháng 7 năm 2016]

  3. Raff, J. (2014). How to Read and Understand a Scientific Paper: A guide for Non-Scientists. [online] Tại địa chỉ https://violentmetaphors.com/2013/08/25/how-to-read-and-understand-a-scientific-paper-2/ [Truy cập ngày 08 tháng 7 năm 2016]

  4. Pain, E. (2016). How to (seriously) read a scientific paper. [online] Tại địa chỉhttp://www.sciencemag.org/careers/2016/03/how-seriously-read-scientific-paper [Truy cập ngày 08 tháng 7 năm 2016]

  5. Mitzenmacher, M. (2016). How to read a research paper. [online] Tại địa chỉ: http://www.eecs.harvard.edu/~michaelm/postscripts/ReadPaper.pdf [Truy cập ngày 08 tháng 7 năm 2016]

  6. Conservation Biology Environmental Studies 319. (2016). Criticaly Reading Journal Articles. [online] Tại địa chỉ: http://ento.psu.edu/graduateprograms/handbook/degree-information/degree-requirements/phd/CriticallyReadingJournalArticles1.pdf. [Truy cập ngày 08 tháng 7 năm 2016]

Featured Posts
Check back soon
Once posts are published, you’ll see them here.
Recent Posts
Archive
Search By Tags
No tags yet.
Follow Us
  • Facebook Basic Square
  • Twitter Basic Square
  • Google+ Basic Square
bottom of page